NỘI DUNG BÀI VIẾT

    Giờ "ngủ gật" đặc biệt tại trường học Nhật Bản

    Tại trường trung học cơ sở và trung học phổ thông Uto trực thuộc thành phố Uto, tỉnh Kumamoto, cuối giờ nghỉ trưa mỗi ngày, học sinh sẽ có một hoạt động tập thể đặc biệt, gọi là "Thời gian Uto-uto". 

    Trong tuần, một giọng nói phát ra từ hệ thống liên lạc nội bộ của trường vào cuối giờ nghỉ trưa, lúc 1:17 chiều để thông báo “Thời gian Uto-uto sắp bắt đầu”. Trong tiếng Nhật, “uto-uto” (うとうと) có nghĩa là “ngủ gà, ngủ gật”.
    thoi-gian-uto-uto
    "Thời gian Uto-uto" tại trường trung học cơ sở và trung học phổ thông Uto. Ảnh: Asahi

    Khi này, một học sinh được chỉ định sẽ đứng dậy kéo rèm cản sáng và tắt đèn, ba phút sau, tiếng nhạc vang lên nhẹ nhàng trong phòng học. Các học sinh khoanh tay và tựa đầu lên bàn, một số sử dụng khăn quàng cổ làm gối hoặc trùm chăn lên đầu để thả mình vào giấc ngủ, cũng có những em bồn chồn khó ngủ.

    Mười phút sau, có thông báo đã hết giờ ngủ trưa, rèm lớp học được mở ra và các em bắt đầu dọn dẹp lớp học.

    Cơ sở khoa học của giấc ngủ 10 phút

    Thầy Yuichi Goto (42 tuổi), giáo viên khoa học - người khởi xướng những giấc ngủ ngắn, cho biết: “Điều quan trọng là thiết lập thời gian ngủ 10 phút”. Goto đã đề xuất “Thời gian Uto-uto” cách đây 9 năm như một biện pháp giúp học sinh đánh bại cơn buồn ngủ sau bữa trưa.

    Theo thầy, giấc ngủ “non-REM" (Non Rapid Eye Movement: giấc ngủ không chuyển động mắt nhanh), có thể chia thành 3 giai đoạn tùy thuộc vào độ sâu của giấc ngủ. Trong một giấc ngủ kéo dài 10 phút, người ngủ có thể chuyển sang giai đoạn thứ hai (N2).

    Một giấc ngủ ngắn có thể làm giảm cơn buồn ngủ tích tụ từ sáng, trong khi thực hiện nhiệm vụ dọn dẹp lớp học ngay sau khi ngủ trưa có thể giúp học sinh sảng khoái tham gia lớp học buổi chiều.

    giac-ngu-ngan
    Một giấc ngủ ngắn giúp học sinh giảm bớt cơn buồn ngủ tích tụ từ sáng. Ảnh: Japan Today

    Tổ chức giấc ngủ 10 phút tại trường Uto  

    “Thời gian Uto-uto” được áp dụng tại trường trung học cơ sở và trung học phổ thông Uto từ năm 2015.

    Tiết học buổi sáng bắt đầu từ 7 giờ 30. Đến tiết thứ năm - tiết đầu tiên vào buổi chiều, nhiều học sinh bắt đầu ngủ gật. Một cuộc khảo sát ở trường học cho thấy khoảng 90% học sinh buồn ngủ, trong đó 56% gà gật trong tiết đầu tiên vào buổi chiều.

    Thầy Goto đã tìm kiếm lời khuyên từ Masashi Yanagisawa, Giáo sư Y học giấc ngủ của Đại học Tsukuba. Sau đó, thầy Goto tự mình đề xuất thói quen ngủ trưa để bổ sung năng lượng ở trường, nhưng vấp phải sự hoài nghi ban đầu.

    Tuy nhiên, chế độ ngủ trưa ngắn đã được nhà trường thử nghiệm trong hai tuần vào tháng 7 năm 2014 và nhận được nhiều đánh giá tích cực.

    Thầy Yuichi Goto đã mời giáo sư Masashi Yanagisawa về trường thuyết trình về giá trị của những giấc ngủ ngắn trước khi chế độ này được đưa vào áp dụng mỗi ngày.

    Phản hồi tích cực về "Thời gian Uto-uto"

    Theo một cuộc khảo sát về “Thời gian Uto-uto”, khoảng 60% học sinh cho biết đã thiếp đi trong thời gian ngủ trưa, và ít nhất 80% cảm thấy tích cực về thói quen này.

    Một số học sinh cho biết có thể tập trung tốt hơn trong giờ học, số khác cảm thấy thành tích của mình khi tham gia các hoạt động ngoại khóa được cải thiện. Số học sinh đến phòng y tế của trường thì giảm hẳn.

    Naoto Komeda, một học sinh trung học 16 tuổi, cho biết: “Nó (giấc ngủ ngắn 10 phút) giúp giảm cơn buồn ngủ vào buổi sáng và sau bữa trưa, đồng thời cải thiện chất lượng hoạt động và học tập của em vào buổi chiều”.

    Thầy Goto cũng lưu ý đến xu hướng ca tụng những người bỏ ngủ để học tập, làm việc hoặc luyện tập thể chất. Anh đánh giá cao việc phổ biến rộng rãi những lợi ích khác nhau khi ngủ đủ giấc.

    “Tôi thấy thật ý nghĩa khi nhà trường nỗ lực giúp học sinh ngủ ngon hơn, khi quan điểm của chúng ta về giấc ngủ đang thay đổi”, thầy nói thêm.

    Xem thêm: Văn hóa ngủ trưa tại Nhật

    kilala.vn

    Nguồn: Asahi

    Category

    Bình luận không được chứa các ký tự đặc biệt!

    Vui lòng chỉnh sửa lại bình luận của bạn!